Tại SeaGames 26 vừa qua, đội tuyển bóng đá U23 đã thi đấu không thành công và nhiều ý kiến cho rằng cần có một chuyên gia tâm lý giúp giải quyết các vấn đề tâm lý và mâu thuẫn trong lòng đội tuyển. Nhiều người cũng tin rằng ở một đội bóng bình thường thì các HLV có thể tự đảm đương trách nhiệm tư vấn tâm lý và chỉ những đội bóng có vấn đề mới thực sự cần chuyên gia tâm lý. Vậy thực ra ai sẽ cần chuyên gia tâm lý thể thao và những chuyên gia này làm những gì? Bài viết này sẽ vén một phần bức màn ”bí mật” về công việc của họ.
Nhìn chung các đội bóng chỉ tìm đến HLV tâm lý khi trong đội xảy ra nhiều xung khắc không thể hàn gắn hoặc các cầu thủ nhiều lần rơi vào trạng thái tâm lý xấu dẫn đến thi đấu rất kém. HLV vì quá bận nên thường không có đủ thời gian để chuẩn bị kế hoạch phòng ngừa xung đột và phát triển tính đoàn kết ngay từ đầu, và cũng không có thời gian để trò chuyện với từng cầu thủ về tâm lý của họ. Tuy nhiên việc này cũng giống như không chủ động phòng bệnh mà chờ đến khi có bệnh rồi mới chữa, đôi khi phải mất rất nhiều thời gian và công sức để trị bệnh.Một người có thể có bệnh, hoặc không có bệnh gì cả nhưng cũng không khỏe mạnh, hoặc là người khỏe mạnh. Do đó nói nôm na thì tâm lý thể thao không chỉ giúp trị bệnh mà còn giúp phòng bệnh và giúp người bình thường không bệnh tật trở nên thực sự khỏe mạnh.
Xu hướng chung của thể thao (ngay cả ở các nước láng giềng của chúng ta) là đầu tư cho tâm lý từ khi các cầu thủ còn trẻ để họ phát triển toàn diện cả về thể chất, kỹ thuật và tinh thần. Một nền tảng tâm lý vững chắc sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển tốt về thể chất và kỹ thuật.
– Giúp đội bóng xây dựng môi trường tích cực, gắn bó. Ngay trong giải SeaGames năm nay, theo như miêu tả của một số bài báo thì các cầu thủ đến từ cùng CLB thường tập trung thành từng nhóm nhỏ chơi riêng với nhau hơn là một khối gắn kết. HLV tâm lý có thể đánh giá sự gắn bó trong đội một cách khoa học và giúp các thành viên trong đội hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn trong cũng như ngoài sân bóng.
– Đào tạo kỹ năng giao tiếp tích cực và hiệu quả giữa HLV trưởng và cầu thủ. HLV trưởng có thể có trong đầu một chiến thuật tốt nhưng nếu cách truyền đạt thông tin của ông không phù hợp, các cầu thủ có thể hiểu không chính xác; hoặc cầu thủ không cảm thấy ”tâm phục khẩu phục” với cách làm của HLV nhưng không thể nêu ý kiến của mình và dẫn đến bị ức chế hay thực hiện một cách nửa vời. Khi các cầu thủ thi đấu trên sân, cách HLV truyền đạt ý muốn của ông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi đấu của các cầu thủ. HLV có thể la hét, dùng rất nhiều động tác chân tay, biểu hiện sự giận dữ, thất vọng… nhưng liệu các cầu thủ có hiểu được thông tin HLV muốn truyền đạt? Hay họ chỉ nhìn thấy sự tức giận hay thất vọng của ông và họ càng trở nên căng thẳng, ức chế hơn? Đôi khi các HLV cũng có thể yêu cầu HLV tâm lý tư vấn cho họ về kỹ năng lãnh đạo để họ có thể kết nối tốt hơn với các cầu thủ.
– Nói đến tâm lý thể thao là nói đến sự tự tin và bản lĩnh thi đấu. Đội tuyển U23 năm nay bị chê trách nhiều về điều này. Khi gặp các đội bóng yếu thì một vài cầu thủ nôn nóng ghi bàn và có phần bị căng cứng. Các HLV tâm lý thường làm việc với từng cá nhân cầu thủ để chuẩn bị cho một giải đấu lớn. Họ sẽ trao đổi với VĐV, tìm ra điểm mạnh và điểm nhạy cảm tâm lý của từng cầu thủ để từ đó đưa ra những bài tập phù hợp. Việc rèn luyện tâm lý cho mỗi cầu thủ còn tùy thuộc vào độ nghiêm túc và cố gắng của mỗi cá nhân và vì thế cũng mất rất nhiều thời gian. Một giải đấu lớn với nhiều cầu thủ trẻ là một thách thức lớn về tinh thần. Nếu quá hung phấn hoặc quá lo sợ, cầu thủ sẽ không đạt được điểm rơi tâm lý tốt nhất. HLV tâm lý sẽ giúp họ rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh thi đấu và tìm được trạng thái tâm lý tốt nhất cho bản thân.
– Đứng dậy sau mỗi thất bại không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là khi các cầu thủ chỉ có hai ngày và đã dồn hết sức vào một trận bán kết sinh tử trước đó. Để làm được điều này, HLV tâm lý thường phải giáo dục cầu thủ về những cách nhìn khác nhau về một trận thua. Họ cũng sẽ lấy những ví dụ về các đội bóng đứng lên được sau thất bại làm bài học cho các cầu thủ. Ở những thời điểm nhạy cảm như sau trận thua ở vòng bán kết, HLV tâm lý phải nắm được điểm nhạy cảm của từng cầu thủ để kích thích hoặc xoa dịu. Từ đó mà giúp cầu thủ hồi phục tinh thần thi đấu cho trận đấu tranh huy chương đồng.
– Đối mặt với những giai đoạn khủng hoảng nhất định, đặc biệt là với các tiền đạo. Đó là khi họ thi đấu rất nỗ lực nhưng không thể ghi bàn. Từ những cầu thủ nối tiếng như Wayne Rooney, Fernando Torres đến những cầu thủ nội như Công Vinh… họ đều phải trải qua một giai đoạn khát bàn thắng như thế. HLV tâm lý sẽ giúp các tiền đạo thoát bỏ sức ép ghi bàn và tìm lại sự tự tin của họ khi chơi bóng.
– Động lực thi đấu và luyện tập: Nhiều người nghĩ đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì ai cũng có động lực cao. Thực tế không hoàn toàn như thế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ. Ví dụ việc cầu thủ phải thi đấu quá nhiều giải, di chuyển khắp nơi, không có thời gian cho gia đình và mối quan hệ tình cảm đôi khi khiến họ cảm thấy đá bóng là một công việc nặng nhọc và đơn điệu thay vì một trò chơi hấp dẫn. Hay những cầu thủ, thủ môn dự bị phải ngồi ngoài sân cả mùa bóng sẽ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi và không còn động lực tập luyện. Đấy là chưa kể đến những cám dỗ vật chất khác như tiền bạc, bia rượu… càng làm cho việc tập trung chuyên môn trở nên xa vời dần. HLV tâm lý thường giúp cầu thủ xác định lại mục tiêu của việc chơi bóng, và thiết lập thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, từ đó làm cho cầu thủ thoải mái và quyết tâm hơn.
– Giúp các cầu thủ cá nhân rèn luyện kỹ năng tâm lý cụ thể như: thư giãn, giải tỏa căng thẳng, tập trung, quán tưởng, nói chuyện với bản thân, suy nghĩ tích cực…
(Còn tiếp)
Đào Tiến Dũng
Phạm Thị Thu Trang
– Thạc sĩ tâm lý học thể thao – Thụy Điển
E-mail: sportpsychologyconsultants@gmail.com
Website: http://www.tamlythethao.com
RSS